HomeTin tức

Quy chế đào tạo cán bộ viên chức

                                                         QUY CHẾ

ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, VIÊN CHỨC

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN TRỰC NINH

( Ban hành kèm theo Quyết định số…  ../QĐ-BVTN ngày… tháng 01 năm 2017

 của Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Trực Ninh)

 

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức (sau đây viết tắt là CBVC) thuộc Bệnh viện đa khoa huyện Trực Ninh (sau đây viết tắt là Bệnh viện).

Điều 2. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng

  1. Đào tạo theo hệ thống văn bằng (sau đây gọi là đào tạo): là loại hình đào tạo được gắn với việc cấp văn bằng quốc gia theo quy định của Luật Giáo dục và các loại văn bằng tương ứng do nước ngoài cấp.
  2. Đào tạo theo hình thức bồi dưỡng (sau đây gọi là bồi dưỡng): là loại hình đào tạo thường xuyên nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp, hoàn chỉnh các tiêu chuẩn chức vụ quản lý, chức danh nghề nghiệp, ngạch bậc phù hợp với từng vị trí việc làm, bao gồm: lý luận chính trị; kiến thức pháp luật, quản lý Nhà nước; kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; kiến thức tin học, ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác.
  3. Đào tạo, bồi dưỡng bao gồm các khoá học tập trung và không tập trung, hội thảo, thực tập ở trong và ngoài nước.
  4. Đào tạo, bồi dưỡng dài hạn là các khoá học có thời gian học trên 3 tháng (tính từ ngày khai giảng đến khi kiểm tra, đánh giá, kết thúc khoá học).

Bồi dưỡng ngắn hạn là các khoá học có thời gian học đến 3 tháng (tính  từ ngày khai giảng đến khi kiểm tra, đánh giá, kết thúc khoá học).

Điều 3. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng

  1. Cập nhật kiến thức, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng và phương pháp thực hiện nhiệm vụ được giao.
  2. Góp phần xây dựng đội ngũ CBVC có đạo đức nghề nghiệp, có đủ trình độ và năng lực chuyên môn đảm bảo chất lượng của hoạt động nghề nghiệp.

Điều 4. Nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng

  1. Đào tạo, bồi dưỡng phải dựa trên cơ sở quy hoạch, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Bệnh viện; căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của CBVC.
  2. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của Bệnh viện.
  3. Khuyến khích CBVC học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
  4. Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

 

Chương II

ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

 

Điều 5. Điều kiện chung để được đi đào tạo, bồi dưỡng

CB,VC được đi đào tạo, bồi dưỡng phải đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Chấp hành tốt nội quy, quy định của Bệnh viện; có trách nhiệm cao trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nguyện vọng và cam kết theo quy định tại Quy chế này.
  2. Nằm trong kế hoạch đào tạo của bệnh viện; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp của CBVC.
  3. Đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cơ sở đào tạo và Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; Công văn số 1915/BYT-K2ĐT ngày 08/4/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện một số quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng. đại học thuộc khối ngành khoa học sức khoẻ và Thông tư số 06/2008/TT-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ đại học, cao đẳng y, dược;
  4. Thứ tự ưu tiên: Nhu cầu về chuyên ngành đào tạo cho CBVC của bệnh viện, CBVC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, CBVC có thâm niên công tác từ cao xuống thấp.
  5. Có cam kết thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo

Điều 6. Điều kiện cụ thể để được cử đi đào tạo

Ngoài các điều kiện chung tại Điều 5 và theo loại văn bằng, CBVC được cử đi đào tạo phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau:

  1. Đào tạo Thạc sĩ:
  2. Không trong thời gian tập sự. Trường hợp có thời gian ngắn hơn phải được sự đồng ý của Giám đốc;
  3. b) Có bằng đại học hệ chính quy phù hợp với chuyên ngành đào tạo;
    1. Không quá 45 tuổi đối với nam và không quá 40 tuổi đối với nữ.
  4. Đào tạo đại học văn bằng 2:
  5. Không trong thời gian tập sự;
  6. Chuyên ngành đào tạo phải phù hợp với công việc chuyên môn hiện tại và Bệnh viện có yêu cầu cấp bách về công việc chuyên môn đó;
  7. Không quá 40 tuổi.

Điều 7. Điều kiện để được cử đi bồi dưỡng

CBVC không phân biệt độ tuổi được cử đi bồi dưỡng theo kế hoạch của Bệnh viện phải đáp ứng các điều kiện của cơ sở đào tạo và các quy định cụ thể sau:

  1. Bồi dưỡng chính trị trung cấp, cao cấp:
  1. CBVC giữ chức vụ Trưởng khoa, phòng thuộc Bệnh viện trở lên, trong diện quy hoạch;
  2. Được Ban Giám đốc nhất trí cử đi học.
    1. Bồi dưỡng kiến thức bác sỹ chính, dược sỹ chính và tương đương: CBVC có đủ điều kiện thi nâng ngạch bác sỹ chính, dược sỹ chính và tương đương hoặc CBVC giữ chức vụ Trưởng đơn vị thuộc Bệnh viện trở lên;
    2. Những hình thức bồi dưỡng khác (ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, quản lý hành chính Nhà nước …): theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của Bệnh viện, chỉ tiêu phân bổ của cấp trên và tiêu chuẩn của khoá bồi dưỡng.

Điều 8. Tự đi đào tạo, bồi dưỡng

Bệnh viện khuyến khích và đồng ý cho CBVC tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ bằng nguồn kinh phí tự túc hoặc nguồn học bổng, tài trợ trực tiếp cho cá nhân với điều kiện:

  1. a) Có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy triệu tập của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;
  2. b) Có cam kết hoàn thành nhiệm vụ Bệnh viện giao, tự túc kinh phí học tập, bồi dưỡng và cam kết về thời gian phục vụ tại Bệnh viện theo quy định tại Quy chế này;
  3. c) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chuyên môn đang đảm nhận và nhu cầu của Bệnh viện.

 

Chương III

QUẢN LÝ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

 

Điều 9. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng

  1. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, quy hoạch cán bộ và kết quả đánh giá cán bộ, lãnh đạo các đơn vị trong Bệnh viện có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và dài hạn của đơn vị mình gửi Phòng Tổ chức cán bộ (TCCB) vào tháng 8 hàng năm.
  2. Phòng TCCB tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của toàn Bệnh viện, xác định các lĩnh vực ưu tiên và cân đối các nguồn lực để trình Ban Giám đốc phê duyệt và thông báo cho các đơn vị.

Các trường hợp đột xuất, phòng Tổ chức cán bộ lập hồ sơ trình Giám đốc phê duyệt theo các quy định tại Quy chế này.

Điều 10. Một số quy định về quản lý đào tạo, bồi dưỡng

  1. CBVC chỉ được đăng ký dự tuyển hoặc tham gia 01 khoá đào tạo, bồi dưỡng trong cùng một thời gian.
  2. CBVC được cử đi dự tuyển đào tạo, bồi dưỡng nhưng không dự thi mà không có lý do chính đáng hoặc không trúng tuyển do kết quả thi dưới trung bình sẽ không được dự các khoá đào tạo tương tự khác trong vòng 12 tháng tiếp theo.
  3. Đối với bậc đào tạo sau đại học, mỗi CBVC chỉ được dự tuyển không quá 2 lần một cấp đào tạo.
  4. Trước khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng CBVC phải ký cam kết với Bệnh viện (theo mẫu cam kết kèm theo Quy chế này).
  5. CBVC từ cơ quan khác được tiếp nhận về Bệnh viện công tác đang theo học các khoá đào tạo, bồi dưỡng dài hạn phải tự túc chi phí đào tạo và bố trí thời gian để không ảnh hưởng tới nhiệm vụ được Bệnh viện giao.
  6. CBVC được Bệnh viện cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hỗ trợ 100% học phí. Học phí được tạm ứng hàng năm theo phiếu thu hợp pháp của cơ sở đào tạo và được Bệnh viện thanh quyết toán hàng năm nộp phòng Tổ chức cán bộ và phòng Tài chính kế toán bản sao văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp khoá học đã được công chứng và giấy tờ có liên quan theo quy định tại Quy chế này.
  7. CBVC được cử đi đào tạo văn bằng cấp quốc gia sau khi hoàn thành một bậc đào tạo phải báo cáo kết quả học tập, nộp văn bằng về Bệnh viện (phòng Tổ chức cán bộ) và đủ các điều kiện quy định tại Điều 5, Điều 6 mới được xem xét cử đi đào tạo ở bậc cao hơn (nếu có).

Điều 11. Cử CBVC dự thi tuyển

Các khoá đào tạo, bồi dưỡng phải qua thi tuyển thì việc cử dự thi tuyển thực hiện theo quy định sau:

  1. CBVC viết đơn xin dự thi tuyển.
  2. Trưởng khoa, phòng trực tiếp quản lý CBVC ghi rõ vào đơn đồng ý hay không đồng ý cho CBVC tham gia dự thi tuyển, gửi về phòng Tổ chức cán bộ.
  3. Phòng Tổ chức cán bộ căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Bệnh viện, trình Giám đốc phê duyệt đơn xin dự thi tuyển của CBVC và trình Sở Y tế xem xét quyết định cử CBVC đi dự tuyển
  4. Giám đốc Sở y tế phê duyệt cho CB, VC tham gia dự tuyển các khoá đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước.

Điều 12. Cử CBVC đi đào tạo, bồi dưỡng

Với các trường hợp CBVC đi đào tạo, bồi dưỡng bằng nguồn kinh phí: ngân sách Nhà nước; nguồn tài chính của Bệnh viện, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hợp tác với Bệnh viện hoặc tài trợ cho Bệnh viện;  các chương trình hợp tác, tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài nước với Việt Nam, thực hiện theo quy định sau:

Phòng Tổ chức hành chính căn cứ giấy báo trúng tuyển của CBVC hoặc công văn triệu tập của cấp có thẩm quyền, hoàn tất thủ tục trình Giám đốc ký quyết định cử CBVC thuộc quyền quản lý có đủ điều kiện tham dự các khoá đào tạo, bồi dưỡng.

Điều 13. Đồng ý cho CBVC đi đào tạo, bồi dưỡng

          Với các trường hợp CBVC tự đi đào tạo, bồi dưỡng bằng nguồn kinh phí cá nhân tự túc hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ trực tiếp cho cá nhân, thực hiện theo quy định sau:

  1. CBVC viết đơn xin đi đào tạo, bồi dưỡng trong đó xác định rõ nơi đào tạo, nguồn kinh phí, chuyên ngành, thời gian đào tạo và ý kiến đồng ý hay không đồng ý của Trưởng khoa, phòng trực tiếp quản lý, gửi phòng Tổ chức cán bộ kèm theo giấy báo trúng tuyển hoặc công văn triệu tập/thư mời của cấp/đơn vị có thẩm quyền.
  2. Phòng Tổ chức cán bộ căn cứ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của Bệnh viện và ý kiến của đơn vị, trình Giám đốc phê duyệt ra quyết định đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng.

Điều 14. Trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý đào tạo, bồi dưỡng

  1. Phòng Hành chính quản trị & Tổ chức cán bộ
  2. Tổng hợp nhu cầu của các đơn vị trong Bệnh viện để xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBVC hàng năm, trình Ban Giám đốc phê duyệt và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện;
  3. Quản lý, theo dõi CBVC của Bệnh viện được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; tiếp nhận và bố trí công tác sau khi CBVC hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng; tiếp nhận báo cáo kết quả học tập, văn bằng chứng chỉ lưu hồ sơ cá nhân;
  4. Trình Giám đốc ký văn bản cử hoặc đồng ý cho CBVC đi dự tuyển và đi đào tạo, bồi dưỡng theo phân cấp quản lý quy định tại Quy chế này;
  5. Hàng năm báo cáo Giám đốc và các cơ quan chức năng kết quả đào tạo bồi dưỡng CBVC.
  6. Phòng Tài chính kế toán
  7. Xác định kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng hàng năm theo kế hoạch đã được Giám đốc phê duyệt;
  8. Xây dựng, ban hành, hướng dẫn các đơn vị trong Bệnh viện thực hiện thống nhất các định mức chi phí, chế độ, thủ tục chi tiêu tài chính trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng;
  9. Thanh toán tiền hỗ trợ học phí cho CBVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại Quy chế này.
    • . Các đơn vị trong Bệnh viện
  10. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBVC của đơn vị. Phối hợp với phòng Tổ chức cán bộ thực hiện nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho CBVC của đơn vị;
  11. Cử CBVC đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch hoặc thông báo của Giám đốc;
  12. Bố trí CBVC phù hợp với nội dung đào tạo, bồi dưỡng sau khi tốt nghiệp; tạo điều kiện cho CBVC áp dụng và phát huy kiến thức đã học vào thực tiễn công tác; bố trí cân đối nguồn nhân lực để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

 

Chương IV

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA CBVC ĐƯỢC  ĐI

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

 

Điều 15. Trách nhiệm của CBVC

  1. CBVC tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
  2. CBVC phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ lý luận, kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức bổ trợ khác.
  3. CBVC được đi đào tạo, bồi dưỡng phải học tập theo đúng chuyên ngành, cơ sở đào tạo và loại hình đào tạo ghi trong quyết định cử hoặc đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng của Giám đốc.
  4. Kết thúc khoá đào tạo, bồi dưỡng CBVC phải báo cáo kết quả học tập và nộp các văn bằng, chứng chỉ (bản sao công chứng) cho phòng Tổ chức cán bộ để lưu hồ sơ và báo cáo Giám đốc.
  5. CBVC được cử hoặc được đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng phải làm việc tại Bệnh viện sau khi kết thúc khoá đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian gấp ít nhất là 2 lần thời gian đào tạo, bồi dưỡng và phải thực hiện theo cam kết của người được đi đào tạo, bồi dưỡng với Bệnh viện. Trong mọi trường hợp (được cử hoặc được đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng), CBVC vi phạm cam kết phải đền bù chi phí đào tạo theo cam kết và quy định của Nhà nước.
  6. CBVC đi đào tạo, bồi dưỡng trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày về phải  báo cáo cho đơn vị trực tiếp quản lý và phòng Tổ chức cán bộ đồng thời gửi kết quả học tập và các giấy tờ cần thiết để phòng Tổ chức cán bộ lưu hồ sơ và báo cáo Giám đốc.

Điều 16. Quyền lợi của CBVC

  1. Đối với CBVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng:
  2. a) Được bố trí nghỉ làm việc để đi học, ôn tập theo thông báo của cơ sở đào tạo;
  3. b) Được Bệnh viện hỗ trợ tiền học phí theo quy định tại Quy chế này;
  4. c) Trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng CBVC được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo các quy định hiện hành của Nhà nước, Quy chế chi tiêu nội bộ của Bệnh viện;

Thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng của  CBVC được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương.

  1. Đối với CBVC tự đi đào tạo, bồi dưỡng được Bệnh viện đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng:
  2. a) Được công nhận kết quả đào tạo, bồi dưỡng sau khi báo cáo kết quả học tập và nộp văn bằng, chứng chỉ cho Bệnh viện theo quy định tại Điều 15. Có thể được xem xét chuyển ngạch nếu đủ tiêu chuẩn và Bệnh viện có nhu cầu;
  3. b) Trong thời gian đi đào tạo, bồi dưỡng nếu hoàn thành nhiệm vụ CBVC được hưởng lương và các chế độ khác theo quy định hiện hành của Nhà nước, Quy chế chi tiêu nội bộ của Bệnh viện.

 

Chương V

XỬ LÝ VI PHẠM

 

Điều 17. Vi phạm quy chế, nội quy, đào tạo, bồi dưỡng.

  1. CBVC được cử hoặc được đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng nếu vi phạm quy chế, nội quy học tập của cơ sở đào tạo bị xử lý kỷ luật, Bệnh viện sẽ tuỳ theo mức độ vi phạm xử lý bằng các hình thức kỷ luật đối với CBVC theo quy định hiện hành.
  2. CBVC được cử hoặc được đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:
  3. a) Trong thời gian được cử hoặc được đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;
  4. b) Hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ công nhận kết quả học tập;
  5. c) Đã hoàn thành khóa học, được cấp văn bằng chứng chỉ nhưng chưa phục vụ đủ thời gian cam kết theo quy định tại Quy chế này.

Điều 18. Đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng

  1. CBVC được cử hoặc được đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng có thời gian từ 3 tháng trở lên phải cam kết và thực hiện đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng không phân biệt nguồn tài chính của Nhà nước, Bệnh viện, tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước hay nước ngoài, đối với các trường hợp quy định tại Mục 2 Điều 7 của Quy chế này.
  2. Các trường hợp CBVC không phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng:
  3. a) CBVC không hoàn thành khóa học do ốm đau phải điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
  4. b) CBVC chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyển công tác được Bệnh viện và cơ quan có thẩm quyền đồng ý;
  5. c) Bệnh viện đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với CBVC khi Bệnh viện buộc phải thu hẹp quy mô, không còn vị trí việc làm hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
  6. Chi phí và cách tính đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng:
  7. a) Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có.
  8. b) Cách tính chi phí đền bù:

– Đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 17 của Quy chế này, CBVC phải đền bù 100% chi phí đào tạo;

– Đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 17 của Quy chế này, CB, VC phải đền bù 50% chi phí của khóa học;

Điều 19. Quyết định trả và thu hồi tiền đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng

  1. Giám đốc quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với mức đền bù chi phí đào tạo của viên chức theo quy định tại Quy chế này.
  2. Thu hồi tiền đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng
  3. a) Chậm nhất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định về việc đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng của Giám đốc, CBVC phải đền bù chi phí đào tạo có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải đền bù cho phòng Tài chính kế toán thuộc Bệnh viện đa khoa huyện Trực Ninh;
  4. b) Số tiền đền bù chi phí đào tạo của CBVC phải được phòng Tài chính kế toán thu nộp vào tài khoản của Bệnh viện tại Kho bạc nhà nước và theo dõi, quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật;
  5. c) Trường hợp CBVC phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng không thực hiện trách nhiệm đền bù thì Bệnh viện không giải quyết các chế độ, chính sách và có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.

 

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 20. Việc sửa đổi, bổ xung Quy chế

Quy chế này gồm 6 Chương, 20 Điều. Trong quá trình thực hiện nếu cần sửa đổi bổ xung cho phù hợp, các đơn vị gửi ý kiến phản ánh về phòng Hành chính quản trị &Tổ chức cán bộ để tổng hợp báo cáo Giám đốc xem xét quyết định./.

                                                                         

                                                                            GIÁM ĐỐC

                                                                              (đã ký)                                                                                                        Vũ Đình Năng